Thuốc lá điện tử hiện nay được bày bán công khai dưới nhiều loại tên
gọi khác nhau và theo như các nhà quảng cáo cho dòng sản phẩm này thì
đây là biện pháp giúp người hút thuốc lá từ bỏ việc hút thuốc lá một
cách dễ dàng. Tuy nhiên sự thật nó vẫn chưa được bất cứ cơ quan, tổ chức
y tế nào chứng nhận đem lại hiệu quả thực sự trong việc bỏ thuốc lá.
Tại
Việt Nam thuốc lá điện tử được du nhập vào từ rất lâu và được nhiều
người sử dụng để thay thế cho thuốc lá thật với hi vọng bỏ thuốc lá
nhưng sự thật họ vẫn không bỏ được thuốc lá, ngược lại họ còn hút thuốc
lá điện tử nhiều hơn cả thuốc lá thật.
Thực tế thuốc lá điện tử
(TLDT) vẫn là thuốc lá. Người ta hút thuốc lá là để tiếp thêm chất
nicotin vào cơ thể nhằm tạo ra sự sảng khoái. Nicotin cũng là thành phần
chính trong nhựa cây thuốc lá, thuốc lào… Tuy nhiên, khi hút thuốc lá
dưới hình thức đốt sợi lá thuốc thì cùng với nicotin người hút thuốc
cũng hít vào phổi thêm 4.000 loại hóa chất khác với tỉ lệ khác nhau,
trong đó có CO (oxid carbon, là khí rất độc với lượng nhỏ), các chất gây
ung thư (có nhóm benzopyren gây ung thư phổi, da, bàng quang). Riêng
nicotin chính là chất gây nghiện và có hại cho tim mạch của người hút
thuốc. Trong cố gắng tránh những tác hại của việc hút thuốc lá, nhiều
biện pháp đã được nghiên cứu, thử nghiệm, trong đó có TLĐT.
TLĐT
được phát minh bởi dược sĩ người Trung Quốc Hon Lik và được cấp bằng
sáng chế năm 2003. Nó được giới thiệu lần đầu tiên ở thị trường Trung
Quốc và cho đến thời điểm hiện tại thì được bán ở nhiều quốc gia trên
toàn thế giới nhằm thay thế thuốc lá đốt sợi thuốc. Nếu là một điếu
thuốc lá bình thường thì quy trình sử dụng sẽ là châm lửa, hít và nhả
khói. Người sử dụng hít khói vào để hít một lượng nicotin. Người dùng
TLĐT hít chất khí một cách thông thường như đối với thuốc lá thường. Tim
của điếu TLĐT là một mạch vi xử lý, có nhiệm vụ kích hoạt một bộ phận
phun hỗn hợp hơi nước khi có kích thích hít vào bởi người sử dụng. Hỗn
hợp hơi nước này sẽ được đẩy ra dưới dạng hơi và được hít vào bởi người
sử dụng thông qua một bộ phận lọc (Rechare de Nicotin). Tại phần đầu
lọc, hỗn hợp khí sẽ được hòa với một hỗn hợp tạo mùi và vị, cộng thêm
một lượng nicotin phù hợp. Tất cả các hoạt động trên được đảm bảo bởi
một bộ nguồn nằm ở phần thân trước điếu thuốc. Như vậy hút thuốc điện tử
cũng nhằm cung cấp cho người hút một lượng nicotin nhất định.
Và
như vậy bản chất TLĐT cũng giống như thuốc lá thường. Khác biệt là
trong khói TLĐT không có mặt 4.000 hóa chất độc hại như thuốc lá đốt sợi
thuốc. Chất lỏng hoặc còn gọi là “nước cốt khói” trong các hộp thường
là Propylene Glycol. Người tiêu dùng có thể mua loại hộp chất lỏng tùy
thích, có thể ít, nhiều hay không chứa nicotin. Nhà sản xuất thường thêm
hương liệu vào chất lỏng, đó có thể là tinh dầu hương vị bạc hà,
chocolate, cà phê, táo, anh đào hay caramel. Người tiêu dùng cũng có thể
mua riêng chai chất lỏng và đổ đầy hộp của mình. Điều này làm giảm chi
phí sử dụng, nói chung là hút thuốc điện tử bình dân đỡ tốn kém hơn so
với thuốc bình thường. Theo quảng cáo trên mạng, thiết bị hút thuốc
(điếu thuốc điện tử) có giá từ 980.000 đồng đến 2.500.000 đồng, hộp
“nước cốt” (tinh dầu và nicotin) có giá từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng
với mỗi hộp “nước cốt”, người hút TLĐT có thể dùng trong một tháng.
Tổ
chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng chưa có bằng chứng xác thực nào chứng
minh điều này. Kiểm soát chất lượng là một trong những vấn đề chính mà
các chuyên gia y tế lưu ý với TLĐT. Họ lập luận rằng, các nhà sản xuất
có thể không tiết lộ tất cả các thành phần hóa học được sử dụng trong
các sản phẩm. Điều này có nghĩa là người sử dụng không thể biết chính
xác cái thứ tinh dầu mà họ hít vào là những gì. Đấy là chưa kể khi dùng
TLĐT, người hút vẫn hít một lượng nicotin và sẽ có ảnh hưởng đến sức
khỏe nếu tiếp xúc với nicotin lâu dài.
Cục Quản lý Dược và Thực
phẩm Mỹ (FDA) đã tiến hành một nghiên cứu vào năm 2009. Họ phân tích 1
mẫu của hộp chất lỏng nicotin từ 2 nhà sản xuất. Kết quả cho thấy rằng,
hàm lượng nicotin trong đó không phải lúc nào cũng phù hợp với số liệu
ghi trên nhãn. Nghiên cứu cũng cho thấy một số hộp dán nhãn không có
nicotin, nhưng thực tế là có nicotin. Một số hợp chất gây ung thư trong
thuốc lá cũng đã được tìm thấy trong vài hộp thuốc lá điện tử. Một trong
các chất độc được tìm thấy là Diethylene Glycol – một hóa chất độc hại
được sử dụng trong chất chống đông. Nhiều chuyên gia y tế nói rằng, các
nhà sản xuất TLTĐ đã không tiến hành các nghiên cứu cần thiết. Trong đó,
nghiên cứu kết luận rằng bởi vì TLĐT làm tăng nồng độ khí CO trong máu,
nó không thể là một lựa chọn an toàn hơn thuốc lá.
WHO cho rằng, không có đủ bằng chứng cho thấy TLĐT là an toàn, FDA cũng đã cảnh báo về sự thiếu an toàn của TLĐT. Chính vì vậy nhiều nước trên thế giới vẫn không cho phép mua bán và sử dụng TLĐT như Australia, Canada, Brazil… Ngay ở Việt Nam, Bộ Y tế cũng chưa cho phép nhập khẩu và kinh doanh TLĐT.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét